10:46 26/09/2019 Lượt xem: 1448
Hàn Quốc hay còn được gọi là Đại Hàn Dân Quốc, nằm trên bán đảo Triều Tiên. Trừ phía Bắc tiếp giáp với đại lục Châu Á, ba mặt còn lại giáp biển, địa hình chủ yếu là núi (chiếm 70%) và đồng bằng (chỉ chiếm 30%). Núi cao trên 1.000m so với mực nước biển chỉ chiếm 15% diện tích, trong khi núi thấp dưới 500 m chiếm 65%.
Bán đảo Triều Tiên nằm trong vùng ôn đới, khí hậu rõ rệt giữa bốn mùa riêng biệt. Mùa mưa bắt đầu vào cuối tháng sáu trong khoảng một tháng. Trong suốt tháng tám, tháng nóng nhất trong năm, xảy ra hiện tượng đêm nhiệt đới, khiến nhiệt độ ban đêm cao bất thường trên 25 ˚C. Vào mùa đông, tuyết rơi và đóng băng ở khắp Hàn Quốc, do đó mọi người có thể tận hưởng thú vui trượt ván hay trượt tuyết. Nhiệt độ ban ngày trung bình vào mùa xuân và mùa thu duy trì ở mức 15 - 18 ˚C. Vào những mùa này, bầu trời trong và thời tiết dễ chịu rất phù hợp cho các hoạt động tham quan, dã ngoại ngoài trời
Hàn Quốc là quốc gia có nhịp sống đan xen thú vị giữa sự năng động hiện đại và trầm tĩnh truyền thống. Điều này tạo nên sức hút vô cùng lớn đối với bạn bè thế giới. Chúng ta sẽ tìm hiểu những nét đặc trưng tại Hàn Quốc nhé:
1. Quốc ca Hàn Quốc (Aegukga)
Quốc ca Hàn Quốc được soạn năm 1935 bởi ông Ahn Ik-tai, ông đã thêm giai điệu vào phần lời được viết từ đầu những năm 1900. Trước đó, cả nước đã hát lời này bằng nhạc điệu của bài Oldeuraengsain. Quốc ca chính thức được công nhận cùng với sự thành lập của chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc vào 15 tháng 8 năm 1948.
An Ik-tae lấy cảm hứng viết Quốc ca khi chứng kiến giáo dân trong nhà thờ của người Hàn tại Mỹ treo quốc kỳ của Hàn Quốc lên và cất cao giọng, hát vang bài “Auld lang syne” (một bài dân ca của Scotland) với nỗi nhớ quê hương da diết. Từ đó An Ik-tae đã quyết tâm sáng tác nên quốc ca Hàn Quốc và ông đã hoàn thành phần một của bản nhạc vào năm 1935, năm ông tốt nghiệp đại học âm nhạc Philadelphia. Khi ông sang Áo năm 1936 theo học chỉ huy dàn nhạc với nhạc trưởng nổi tiếng thế giới Felix Weingartne, ông vẫn không quên tâm niệm sáng tác quốc ca của mình. Ông đã sáng tác thành công bản “Symphonic Fantasy Korea” tổng cộng gồm tất cả 3 phần, trong đó có “Aegukga (Ái quốc ca)” nằm ở chương cuối là phần hợp xướng, thể hiện tinh thần đấu tranh giành độc lập của người dân Hàn.
2. Quốc kỳ Hàn Quốc (Taegeukgi)
Taegeukgi (Thái cực kì), quốc kỳ của Hàn Quốc bao gồm 1 vòng tròn được tạo thành bởi 2 hình bán nguyệt, 1 màu xanh và 1 màu đỏ có dạng như lốc xoáy (biểu tượng thái cực lưỡng nghi), 4 góc là 4 nhóm vạch màu đen nổi bật trên nền trắng tượng trưng cho 4 quẻ trong bát quái của âm dương ngũ hành.
Nền trắng của lá cờ tượng trưng cho sự tinh khiết, tính đồng nhất và tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Hàn. Phần trung tâm là biểu tượng của thái cực thể hiện sự hài hòa âm dương, tác động lẫn nhau giúp cho vũ trụ và vạn vật phát triển vô cùng.
Bốn góc của Taegeukgi được trang trí bởi bốn quẻ trong âm - dương ngũ hành.
- Quẻ Càn(phía trên - góc trái) tượng trưng cho trời, mùa xuân, phương Đông và lòng nhân từ.
- Quẻ Khôn(phía dưới - góc phải) tượng trưng cho đất, mùa hè, phương Tây và sự ngay thẳng hào hiệp.
- Quẻ Khảm(phía trên - góc phải) tượng trưng cho mặt trăng, mùa đông, phương Bắc và sự thông thái.
- Quẻ Ly(phía dưới - góc trái) tượng trưng cho mặt trời, mùa thu, phương Nam và lễ nghĩa.
Bốn quẻ này tuần hoàn phát triển không có điểm dừng. Nền trắng và 4 quẻ được trang trí trên Cờ Thái cực là biểu tượng cho hy vọng, hòa bình, sự đồng nhất, sáng tạo và vĩnh cửu trường tồn.
3. Quốc hoa (Mugunghwa)
Hoa Mugunghwa, đây là loài hoa thuộc nhóm hoa dâm bụt, còn gọi là hoa hồng Sharon, là loại cây rụng lá vào mùa đông. Thân cây cao khoảng 2 đến 3m, toàn bộ hầu như không có lông, thẳng đứng, vỏ cây có màu xám tro được cấu tạo bằng chất sợi bền và chắc. Lá cây dài khoảng 4-10cm, mọc đan vào nhau, hình dạng giống như quả trứng và phân bố chủ yếu trên 3 nhánh cây mọc sâu.
Hoa nở vào buổi sáng sớm, bắt đầu khép cánh vào buổi chiều và rụng lúc hoàng hôn. Hoa Mugung mang vẻ đẹp giản dị, là biểu tượng cho tính cách của người Hàn Quốc. So với các loại hoa khác, hoa Mugung có sức chịu đựng rất dẻo dai, tượng trưng cho sinh lực mạnh mẽ, sự phát triển không ngừng và sự thịnh vượng của quốc gia. Cho dù bông này có rụng xuống thì bông khác vẫn sẽ lại nở tiếp, bởi vậy nó còn được xem là biểu tượng của tinh thần bất khuất. Bản thân từ ‘Mugung’ trong tiếng Hàn đã có nghĩa là bất tử.
4. Chữ viết và ngôn ngữ
Ngôn ngữ mà người Hàn Quốc sử dụng thuộc hệ thống ngôn ngữ Altai. Văn tự tiếng Hàn sử dụng Hangeul, hệ thống chữ viết được sáng tạo bởi Vua Sejong (Thế Tông) (1397- 1450) triều đại Joseon. Người Hàn Quốc rất tự hào về Hangeul bởi đây là hệ thống chữ viết giàu tính khoa học, dễ học, dễ biểu đạt. Hangeul gồm 14 phụ âm (ㄱ,ㄴ,ㄷ,ㄹ,ㅁ,ㅂ,ㅅ,ㅇ,ㅈ,ㅊ,ㅋ,ㅌ,ㅍ,ㅎ) và 10 nguyên âm (ㅏ,ㅑ,ㅓ,ㅕ,ㅗ,ㅛ,ㅜ,ㅠ,ㅡ,ㅣ). Đây là một hệ thống chữ viết khoa học, có thể biểu đạt hầu hết tất cả các âm thanh.
Vua Sejong Sejong là vị vua thứ tư của triều đại Joseon và được tôn kính như là một trong những vị vua vĩ đại nhất của Hàn Quốc. Ông đã phát minh ra rất nhiều thành tựu vĩ đại trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, quốc phòng, nghệ thuật và văn hóa. Một trong những thành tựu vĩ đại nhất của vua Sejong là làm ra bảng chữ cái Hangeul vào năm 1444 với tên gọi Huấn dân chính âm. Đây là hệ thống chữ viết vô cùng dễ học, hiệu quả và khoa học.
5. Trang phục truyền thống
Người Hàn Quốc quan niệm rằng con người được tạo ra bởi sự hòa hợp giữa trời - đất, nước - lửa, cây - gió. Từ những yếu tố đó mà Hanbok đã được hình thành trong sự kết hợp giữa đường nét đến sự phong phú của màu sắc tự nhiên.
Mặt khác, màu sắc của Hanbok luôn gắn liền về triết lý âm - dương và ngũ hành theo vũ trụ luận phương Đông. Người Hàn Quốc cho rằng phần dưới của bộ trang phục thuộc về tính âm - nữ giới, còn phần trên thuộc về dương - nam giới. Và gam màu thường được sử dụng là xanh da trời, vàng, đỏ, trắng và đen là những màu cơ bản của áo Hanbok tương ứng với năm yếu tố theo thuyết ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Màu trắng là màu được ưa chuộng nhất (người Hàn từ xưa vốn được gọi là bạch y dân tộc - dân tộc áo trắng) bởi nó thể hiện tính thuần khiết, sự chính trực và nét đơn giản của người Hàn Quốc. Tất nhiên, họ cũng mặc những trang phục có màu sắc rực rỡ, lộng lẫy, nhất là vào ngày cưới. Quần áo cưới tiêu biểu cho kiểu cách trang phục của hoàng gia, nữ thường mặc màu đỏ và nam mặc màu xanh. Sự kết hợp hai màu sắc này tượng trưng cho sự hòa hợp của tình yêu.
6. Nghệ thuật
KPop: là nhạc Pop Hàn Quốc. Thuật ngữ bắt nguồn từ chữ đầu của “Korea” và kết hợp với thể loại nhạc “Pop”. Kể từ khi mới bước chân vào thị trường thế giới từ giữa những năm 2000, K-Pop đã thu hút rất nhiều người hâm mộ ở Đông Á và đang lan nhanh đến nhiều phần ở Châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ.
Phim truyền hình
Thành công vang dội của bộ phim Tình yêu là gì? (MBC) và Bản tình ca mùa đông(KBS) ở Trung Quốc và Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển phim truyền hình Hàn Quốc tại Châu Á và ra toàn thế giới.
Phim điện ảnh
Tình hình điện ảnh Hàn Quốc đầu những thập niên 90 rất ảm đạm. Phim làm theo lối tư duy cũ kỹ, đề tài lạc hậu so với cuộc sống hiện tại. Một năm, số phim sản xuất (phim nhựa) đếm không quá 10 đầu ngón tay. Phim chiếu rạp chiếm hết 98% là của Mỹ! Bước nhảy vọt của phim điện ảnh Hàn Quốc là nhờ vào vị Bộ trưởng Bộ văn hóa mới nhậm chức với xuất thân từ nhà làm điện ảnh. Ông đã có những đề xuất chấn chỉnh lại nền điện ảnh nước nhà, sử dụng điện ảnh làm công cụ quảng bá hình ảnh Hàn Quốc với thế giới.
Chính vì vậy, họ đầu tư vào con người và học hỏi quy trình sản xuất của Hollywwood, tất cả kinh phí được chính phủ Hàn Quốc tài trợ hoàn toàn. Cũng chính từ đó, nền điện ảnh nước nhà đã từng bước nhảy vọt và được toàn thế giới biết đến với mức độ chuyên nghiệp và nghiêm túc rất cao.
7. Ẩm thực
Kim chi: là món ăn đại diện cho ẩm thực Hàn Quốc và được thế giới công nhận là thực phẩm bổ dưỡng có tác dụng chống ung thư ưu việt. Có nhiều loại kimchi, nhưng trong đó tiêu biểu nhất là kimchi cải thảo được chế biến qua các công đoạn gồm rửa sạch cải thảo, ướp muối rồi sau đó trộn với gia vị tổng hợp như củ cải, hành, tỏi, gừng, ớt bột và mắm tép. Nhiều vùng ở Hàn Quốc còn trộn thêm cả hải sản tươi để tăng hương vị cho kimchi.
Kimchi thường được ăn sau khi lên men vài ngày, nhưng cũng có một vài người thích mugeunji (kimchi chín), là loại kimchi được lên men kỹ trong từ một đến hai năm.
Năm 2001, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế đã công nhận kimchi Hàn Quốc đạt tiêu chuẩn quốc tế và hoàn toàn khác với gimuchi của Nhật Bản. Và vào năm 2012, Ủy ban này đã ghi nhận nguyên liệu cải thảo dùng cho kimchi của Hàn Quốc là một dòng riêng (Kimchi Cabbage).
Năm 2003, trong khi SARS (viêm đường hô hấp cấp) bùng nổ khắp thế giới thì tin tức về việc người Hàn Quốc an toàn nhờ ăn kimchi đã được lên truyền thông và thu hút được rất nhiều sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế. Tác dụng của kimchi ngày càng được biết đến rộng rãi. Đến năm 2006, tạp chí sức khỏe của Mỹ Health Magazine đã bầu chọn kimchi là một trong năm món ăn có lợi cho sức khỏe nhất trên thế giới.