14:18 26/12/2019 Lượt xem: 1048
TP. Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến đầu tư với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản. Với vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố là trọng điểm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).
Ảnh: Hữu Phúc
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mekong tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 30/11/2019, lãnh đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Takesho Food & Ingredients Inc (Nhật Bản) thực hiện Dự án Nhà máy Chế biến thực phẩm Takesho Food tại Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 2 (phường Phước Thới, quận Ô Môn) với ngành nghề sản xuất, chế biến gia vị và nguyên liệu; bán buôn thực phẩm, máy móc, thiết bị và phụ tùng máy; nghiên cứu và phát triển thực nghiệm khoa học tự nhiên và kỹ thuật...
Nhà máy này được xây dựng trên diện tích gần 21.000 m2, có công suất thiết kế khoảng 600.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 8 triệu USD (184,856 tỷ đồng). Dự kiến, trong quý I/2020, Dự án sẽ được khởi công xây dựng và đến quý I/2021 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Tháng 8 năm nay, tại KCN Trà Nóc 1 (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ), Nhà máy Sản xuất, gia công thủy sản của Liên doanh The Marine Foods Corporation (Nhật Bản) và Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải cũng đã được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD; mục tiêu gia công, chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản. Dự kiến, Nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2020. Đây là dự án được lãnh đạo TP. Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 3/2019, trong khuôn khổ chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản.
Trong suốt quá trình tìm hiểu, trao đổi để đi đến quyết định đầu tư, hai dự án trên đều được lãnh đạo TP. Cần Thơ và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ quan tâm hỗ trợ. Môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn đã góp phần giúp nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng.
Ông Toshinao Tanaka, Tổng giám đốc Công ty Takesho Food & Ingredients cho biết, trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Công ty đã nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các sở, ngành của TP. Cần Thơ, đặc biệt, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ trực tiếp hướng dẫn cụ thể các thủ tục và tài liệu cần thiết để nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, xin giấy cấp phép lao động cho người nước ngoài...
Tuy vốn đầu tư của từng dự án trên không nhiều, nhưng đó là kết quả bước đầu từ những nỗ lực xúc tiến đầu tư của TP. Cần Thơ đối với thị trường Nhật Bản. Trong những năm qua, TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác xúc tiến đầu tư với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản và xem đây là những đối tác trọng tâm để mời gọi đầu tư. Lãnh đạo TP. Cần Thơ đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến hợp tác đầu tư - thương mại tại Nhật Bản, đồng thời, Thành phố cũng đã đón nhiều đoàn lãnh đạo địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản tới thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.
Chú trọng hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản
Tháng 11/2018, trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa, thương mại Việt - Nhật lần thứ 4 và Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Cần Thơ, UBND TP. Cần Thơ đã tổ chức lễ khánh thành KCN Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại phường Tân Phú (quận Cái Răng). KCN này có diện tích 42,9 ha (giai đoạn 1: 30 ha), do Quỹ Đầu tư phát triển TP. Cần Thơ (Cadif) làm chủ đầu tư. Đây là KCN dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn KCN xanh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng xây dựng nhà xưởng cho các nhà đầu tư.
KCN Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản có vị trí thuận lợi, chỉ cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 5 km, cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 8 km, bên cạnh là hệ thống cảng quốc tế dọc theo sông Hậu với khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn… Đồng thời, để đảm bảo những điều kiện xã hội phục vụ các chuyên gia, doanh nhân Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh tại TP. Cần Thơ, Cadif đã xây dựng Chung cư Cadif (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) với nhiều loại căn hộ, có lợi thế gần trường học, trung tâm thương mại, khu ẩm thực, vui chơi giải trí (gần sân golf 18 lỗ đang xây dựng tại cồn Ấu)... nhằm tạo môi trường sống, làm việc thuận tiện cho nhà đầu tư, từ đó giúp họ gắn bó lâu dài với Cần Thơ.
Là trung tâm kinh tế, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ có nhiều tiềm năng trong hợp hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông thủy sản; du lịch, hạ tầng phục vụ du lịch; công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thông tin; các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, logistics; lĩnh vực tài chính, ngân hàng... Trong đó, các KCN tập trung trên địa bàn thành phố, với vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, là trọng điểm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TP. Cần Thơ hiện có 6 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 246 dự án đầu tư, thuê 486 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,750 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,056 tỷ USD. Các KCN tại Cần Thơ có vị trí thuận lợi do tiếp giáp hai mặt tiền giao thông thủy và bộ, dễ dàng tiếp cận hệ thống cảng sông, cảng biển và cảng hàng không quốc tế trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lư Thành Đồng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, các KCN Cần Thơ khuyến khích dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống, điện - điện tử, công nghệ tin học, dược phẩm...
Thành phố cũng đang mời gọi các nhà đầu tư nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Thốt Nốt giai đoạn II. Dự án này có nguồn cung cấp điện được đảm bảo từ lưới điện quốc gia và Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn; nguồn nước mặt và nước ngầm bảo đảm các nhu cầu sử dụng nước của Dự án; thông tin liên lạc tại khu vực Dự án đã được xây dựng tương đối thuận lợi cho kết nối và giao dịch quốc tế. Đặc biệt, Dự án có hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với Quốc lộ 91, cầu Vàm Cống nối TP. Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp và các địa phương lân cận cùng Dự án Mở rộng Quốc lộ 80 và các đường chính trong khu vực, chịu lực được xe tải trọng đến 30 tấn.
Dự án mời gọi đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn II
Địa điểm thực hiện dự án: tại phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ), cách trung tâm TP. Cần Thơ 50 km về phía thượng nguồn, cách sân bay Cần Thơ 40 km
Quy mô: 400 ha
Tổng mức đầu tư dự kiến: 251 triệu USD (5.893 tỷ đồng)
Chính sách ưu đãi đầu tư: Được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất.
Hoàng Nghị - Baodautu.vn