Tất cả những điều cần biết về Văn hoá sinh viên đại học ở Hàn Quốc

 11:28 26/09/2020        Lượt xem: 412

      Hàn Quốc lại đến mùa tựu trường. Tháng 9 là thời điểm bắt đầu học kỳ 2 ở Hàn Quốc, khác với ở Việt Nam, học kỳ 1 bắt đầu vào tháng 9. Rất nhiều bạn tò mò về cuộc sống của sinh viên đại học ở Hàn Quốc sẽ như thế nào? Ý nghĩa của những lễ kỷ niệm trường, MT, cuộc sống về đêm và thậm chí cả về những chiếc áo khoác bóng chày được sinh viên đại học hay mặc. Bài viết này Inmeko sẽ chia sẻ với bạn tất tần tật về văn hoá sinh viên ở các trường đại học ở Hàn nhé! 

1. Áo khoác bóng chày đại diện cho mỗi trường đại học ở Hàn Quốc

       Khi đến Hàn Quốc, nhiều người sẽ thấy sinh viên đại học đi trên đường mặc áo khoác bóng chày của trường. Ở một mức độ nào đó, đây có thể coi là đồng phục sinh viên của trường. Hầu như trường nào cũng đặt làm áo khoác bóng chày cho sinh viên có thể tự do mua.

      Trên thực tế, ban đầu là do tỷ lệ nhập học ở các trường đại học Hàn Quốc khá thấp, nên sinh viên đại học có địa vị khá cao trong xã hội. Để làm nổi bật sự khác biệt của mình, họ sẽ cài huy hiệu của trường trên quần áo. Vào thời kỳ sau này, khi công nghệ in ấn và sản xuất ngày càng phát triển cũng như số lượng các trường đại học Hàn Quốc không ngừng tăng lên, ngày càng có nhiều trường đại học tự thiết kế áo khoác cho riêng mình.

        Ai cũng biết Hàn Quốc là một đất nước có ý thức dân tộc rất mạnh và "đoàn kết” cũng là một nét đặc trưng của người Hàn. Sinh viên đại học ở Hàn cũng coi việc mặc áo đồng phục là biểu hiện của nét văn hoá này, đặc biệt là ở các cuộc thi giữa các trường. Sinh viên cũng được yêu cầu chú ý đến hành vi của mình khi mặc áo khoác trường để giữ gìn hình ảnh của trường. Ngoài ra, áo khoác bóng chày còn rất hợp thời trang và dễ kết hợp quần áo. Ngay cả khi không đến trường, nhiều sinh viên cũng chọn mặc áo khoác trường như 1 item thời trang. 

       Nếu bạn để ý thấy trên tay áo thường thêu 1 con số hoặc 1 vài chữ cái. Chữ số được thêu trên tay áo khoác bóng chày tượng trưng cho năm nhập học, còn chữ thì là viết tắt cho tên của chủ áo. 

2. Tuổi tốt nghiệp trung bình của nam sinh viên Hàn Quốc

       Không giống như Việt Nam, hầu hết nam sinh viên đại học ở Hàn Quốc thường phải tạm dừng việc học giữa chừng để đi nghĩa vụ quân sự. Vì nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc thường kéo dài 1 năm 10 tháng nên nếu đi quân sự sau khi tốt nghiệp, rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm việc làm hoặc đi thực tập. Và việc hoàn thành nghĩa vụ cũng là 1 tiêu chuẩn quan trọng khi bạn tìm việc vì công ty sẽ rất khó chấp nhận nếu bạn đang làm mà lại nghỉ giữa chừng để đi nghĩa vụ. Do đó, nam sinh viên Hàn thường chọn đi nghĩa vụ trong thời gian học đại học, thường là đi vào năm thứ 2. Và khi tốt nghiệp thì thường họ đã 26 hoặc 27 tuổi.

3. Văn hóa MT của sinh viên đại học Hàn Quốc

      MT là tên viết tắt của Memberhip Training, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ trường đại học mà còn rất hay được tổ chức tại các công ty, câu lạc bộ. Qua MT gồm các hoạt động du lịch, vui chơi, ăn nhậu cùng nhau thì bạn có thể quen biết và gắn bó với bạn cùng lớp hoặc đồng nghiệp hơn. Tuy nhiên hoạt động MT của sinh viên đại học Hàn Quốc thường có rất nhiều điều điên rồ ngoài sức tưởng tượng đó.

      Ngoài các trò chơi tự giới thiệu, ăn uống, ăn nhậu đến tối. Ở Hàn Quốc, sinh viên tiền bối sẽ rót rượu cho sinh viên năm nhất, sinh viên năm nhất sẽ không thể từ chối, vì vậy, rất nhiều sinh viên đi MT vì uống quá mức mà nôn mửa khắp nơi, thậm chí phải đi cấp cứu. Gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi về về việc bỏ rượu khi đi MT nhưng có vẻ điều này khá khó.   

4. Học phí đại học tại Hàn Quốc siêu đắt

      Theo kết quả khảo sát vào năm 2020, học phí trung bình hàng năm cho các trường đại học tư thục cao tới 7,17 triệu won (khoảng 142 triệu VNĐ), và học phí trung bình hàng năm cho khoa y ở các trường đại học tư thục cao tới 10,27 triệu won (khoảng 200 triệu VNĐ). Trong số 3 trường thuộc SKY danh tiếng của Hàn Quốc, Yonsei và Korea University là những trường đại học tư thục có học phí đắt đỏ nhất.

       Học phí trung bình hàng năm của các trường đại học công lập và tư thục khác cũng cao tới 4,08 triệu won (khoảng 80 triệu VNĐ), đây là một gánh nặng rất lớn đối với sinh viên. Nhiều người không chỉ phải tạm dừng việc học để đi lính, mà một số sinh viên sẽ còn phải tạm dừng việc học vì không đủ học phí. Bạn sẽ thấy hầu như sinh viên nào ở Hàn cũng sẽ đi làm thêm rất nhiều khi có thời gian rảnh. 

5. Sẽ có trẻ vị thành niên trong trường đại học

       Hàn Quốc có một nền văn hóa đặc biệt liên quan đến tuổi tác, đó là "sinh sớm (빠른 년생)". Đây là từ dùng để chỉ những người sinh từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm. Họ được coi là lớn hơn 1 tuổi so với những người sinh vào tháng 3 - tháng 12 cùng năm. 

      Vì vậy, sẽ có những trường hợp sinh viên mới 18 tuổi đã vào đại học (19 tuổi ở Hàn Quốc) và học cùng lớp với những sinh viên khác trên 19 tuổi (20 tuổi ở Hàn Quốc), nhưng những bạn sinh viên 18 tuổi đó sẽ không được đi hộp đêm hoặc uống rượu dù đã vào đại học. Chính vì văn hoá này mà cách xưng hô cũng như tính tuổi trở nên rất phức tạp ở Hàn. 

- Do hệ thống này đã gây ra quá nhiều nhầm lẫn, nên từ năm 2009 Hàn Quốc đã bỏ chế độ sinh sớm và đi học sớm. Học sinh sinh cùng năm sẽ cùng nhập học vào 1 năm nhất định.

6. Lễ kỷ niệm trường đại học tại Hàn Quốc

Tất cả những điều cần biết về Văn hoá sinh viên đại học ở Hàn Quốc

      Lễ kỷ niệm của trường là 1 sự kiện rất quan trọng. Ngoài việc các nghệ sĩ tên tuổi đến biểu diễn, không khí lễ kỷ niệm trong khuôn viên trường và sự náo nhiệt của các khu thương mại xung quanh chính là tâm điểm của mỗi năm học. 

      Mỗi năm khi lễ thành lập trường đại học, hội sinh viên của mỗi trường đại học đều tìm mọi cách để mời những nghệ sĩ, nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng nhất đến biểu diễn, nhiều cựu sinh viên đại học cũng tranh thủ thời gian này trở về trường để hồi tưởng thời sinh viên mà họ đã từng có, gặp lại bạn học cũ.

     Tuy nhiên, không thể thiếu sự cạnh tranh giữa các trường đại học, nhiều người sẽ so sánh “Năm ngoái trường mình thuê một thần tượng nào đó, sao năm nay lại không có?” hay “Trường kia mời nghệ sĩ A thì trường mình phải mời nghệ sĩ A+?" Những bình luận như vậy đã khiến hội sinh viên trường đại học ngày ngay dám chi hàng trăm triệu won để tổ chức lễ kỷ niệm.

Hình ảnh sinh viên đại học tại Hàn Quốc thực sự giống với hình ảnh được mô tả trong các bộ phim truyền hình, hầu như không có sự khác biệt. Hy vọng bài viết này đã mang đến thông tin hữu ích cho bạn nhé!
Nguồn: ST

 

:              (4.9/5 : 173748 )
Tin liên quan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây